Phát hiện container loa đài nhập khẩu nghi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

                 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra container loa đài nhập khẩu nghi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trên cơ sở đơn đề nghị của Công ty CP xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển Tân Việt (Công ty Tân Việt), ngày 30/11/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực I phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu (Đội 4), Đội Kiểm soát hải quan đã tiến hành thủ tục kiểm tra, mở container hàng nhập khẩu thiết bị âm thanh của Công ty CP đầu tư AV Việt Nam (Công ty AV Việt Nam, địa chỉ ở số 7, ngõ 68 phố Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) do nghi vấn có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa trong container theo tờ khai hải quan gồm 20 mục, gồm loa, bộ loa thùng, bộ tạo vang xử lý tín hiệu âm thanh, bộ chia nguồn, micro không dây, khung giá treo loa các loại đều mang nhãn hiệu “CAF”, tình trạng mới 100% có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cơ quan chức năng đã lấy 19 mẫu hàng hóa là các sản phẩm của hệ thống âm thanh, được nhập khẩu theo tờ khai ngày 22/11/2022 của Cty AV Việt Nam để trưng cầu giám định. Phần hàng hóa còn lại đóng trở lại container và kẹp trì niêm phong.

Đến ngày 7/1/2022, Hải quan Hải Phòng có văn bản (kèm mẫu sản phẩm) gửi Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị phối hợp giám định lô hàng trên của Công ty AV Việt Nam xem “có hay không dấu hiệu hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” như đơn tố giác của Công ty Tân Việt.

Ngày 10/1/2022, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã có Kết luận giám định sở hữu công nghiệp. Theo Kết luận, dấu hiệu “CAF” gắn trên các sản phẩm (hàng hóa) bị xem xét – như thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền theo quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 390821 của Công ty Tân Việt.

Ngày 10/1/2022, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã có Kết luận giám định sở hữu công nghiệp. Theo Kết luận, dấu hiệu “CAF” gắn trên các sản phẩm (hàng hóa) bị xem xét – như thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền theo quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 390821 của Công ty Tân Việt.

Lực lượng chức năng kiểm tra.

Theo trích lục tại cổng thông tin của Tổng cục Hải quan, từ tháng 6/2021 đến trước thời điểm kiểm tra container có hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Công ty AV Việt Nam đã nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa sản phẩm là các thiết bị âm thanh có giá trị hàng chục tỷ đồng, và các sản phẩm trên đều được gắn nhãn “CAF”.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Tân Việt, Công ty AV Việt Nam có nhiều chi nhánh và cửa hàng cung cấp sản phẩm liên quan đến lĩnh vực âm thanh trên toàn quốc, nhiều sản phẩm của họ đang gắn nhãn “CAF” – nhãn hiệu mà Công ty Tân Việt được bảo hộ.

“Từ vụ việc nghiêm trọng trên, tôi mong các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo và xử lý nghiêm hành xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như trên của Công ty AV Việt Nam, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, đại diện Công ty Tân Việt nói và cho rằng Công ty AV Việt Nam không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ mà còn có dấu hiệu lừa dối khách hàng, sản xuất hàng giả khi cho dán nhãn “CAF” – nhãn hiệu Tân Việt được bảo hộ.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: Báo Pháp Luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *